Sự cần thiết của chương trình đào tạo “Cấp cứu nhi khoa’’
Kỹ năng xử trí các tình trạng cấp cứu rất quan trọng và cần thiết cho bất kỳ nhân viên y tế nào trực tiếp làm công tác điều trị và chăm sóc người bệnh, đây là những hoạt động nhằm duy trì chức năng sống của bệnh nhân trong những tình trạng bệnh nặng, đe dọa tính mạng, nhằm giảm sự tiến triển, góp phần giảm tỷ lệ tử vong và những di chứng lâu dài cho trẻ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực hồi sức, cấp cứu trở thành một vấn đề vô cùng cấp thiết. Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về kỹ năng cấp cứu chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế trong công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện, đồng thời hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 tại tỉnh Vĩnh Long và tham gia phục vụ công tác khám sàng lọc, theo dõi các phản ứng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên diện rộng.
Để đáp ứng nhu cầu và thực hiện nhiệm vụ cấp bách được giao, Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em – Bênh viện Nhi Trung ương, cùng các giảng viên chương trình Cấp cứu nhi khoa tổ chức chương trình đào tạo “Cấp cứu nhi khoa” nhằm đào tạo và đào tạo lại cho ít nhất 70% bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện về cấp cứu nhi khoa cơ bản và nâng cao.
Nội dung của khóa đào tạo “Cấp cứu nhi khoa”:
Các khóa học được giảng dạy trực tiếp bởi các giảng viên là chuyên gia đầu ngành về cấp cứu, hồi sức nhi khoa, với tài liệu và phương thức giảng dạy cập nhật theo chương trình đào tạo Cấp cứu Nhi khoa của Vương Quốc Anh, giúp học viên cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng xử trí các trường hợp cấp cứu trong thực tế, đảm bảo chất lượng cấp cứu và hồi sức nhi thông qua chuỗi nội dung đào tạo từ cơ bản tới chuyên sâu cả về lý thuyết và thực hành như:
- Nhận biết trẻ bệnh nặng
- Cấp cứu cơ bản – Xử trí trẻ bị sặc dị vật
- Tiếp cận và xử lý trẻ bị khó thở
- Cấp cứu ngừng tim
- Trẻ bị rối loạn mạch nhịp
- Tiếp cận và xử trí trẻ bị sốc
- Phản vệ
- Tiếp cận và xử trí trẻ giảm tri giác
- Tiếp cận và xử lý trẻ co giật
- Tiếp cận trẻ bị chấn thương nặng
- Ổn định bệnh nhân và vận chuyển an toàn
Tham gia khóa đào tạo, học viên không chỉ được trang bị đầy đủ các kiến thức về lý thuyết mà còn được huấn luyện để thực hiện được các kỹ năng cấp cứu cần thiết như: Kỹ thuật ép tim, bóp bóng qua mặt nạ, đặt ống nội khí quản, nhận biết rối loạn nhịp tim/sốc điện trên mô hình…Đồng thời, học viên cũng được học các kỹ năng làm việc nhóm và trực tiếp thực hành xử trí cấp cứu các ca bệnh mô phỏng sát thực với những tình huống cấp cứu thường gặp tại Bệnh viện dưới sự giám sát, hướng dẫn của các giảng viên.
Kết quả đã đạt được và kế hoạch dự kiến triển khai
Kết quả đạt được: Trải qua 06 tháng triển khai, chương trình đã thực hiện thành công 09 khóa đào tạo cấp cứu cơ bản với 249 học viên và 03 khóa đào tạo cấp cứu nâng cao với 95 học viên. Với sự nhiệt tình của đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm, sự tham gia tích cực, nghiêm túc của học viên và nội dung học tập phong phú bao gồm cả lý thuyết, kỹ năng, những tình huống minh họa sát với công việc thực tế, đa số học viên đã được củng cố kiến thức và nắm bắt được cách xử trí trong các trường hợp cấp cứu. Các học viên đều đánh giá rất cao về tính thiết thực, cập nhật và chuyên sâu của khóa học.
Kế hoạch triển khai trong năm 2022: Chương trình sẽ triển khai thêm 16 lớp đào tạo cấp cứu cơ bản, 04 lớp đào tạo cấp cứu nâng cao và thực hiện đánh giá năng lực của các bác sĩ và điều dưỡng sau 06 tháng đào tạo.
Chương trình đào tạo “Cấp cứu nhi khoa” sẽ là một chương trình đào tạo chiến lược, thường xuyên của Bệnh viện trong thời gian tới nhằm củng cố kiến thức và kỹ năng xử trí cấp cứu cho các bác sĩ, điều dưỡng trong Bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Thu Hương – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu