Năm học 2022-2023 đánh dấu một mốc quan trọng trong việc đưa tất cả học sinh quay trở lại học trực tiếp tại trường học sau thời gian trẻ học trực tuyến ở nhà. Điều này mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho trẻ, tuy nhiên, do thời gian ở nhà học trực tuyến quá dài khiến cho việc học trực tiếp với một số trẻ sẽ gặp những khó khăn, cần có sự hỗ trợ tích cực từ gia đình và nhà trường. Đồng thời, những vấn đề khó khăn trước đó khi trẻ đang trong giai đoạn cách ly tại nhà có thể tiếp tục diễn ra hoặc gia tăng tại môi trường trường học. Việc đánh giá sức khỏe tâm thần của trẻ tại thời điểm này bằng các khảo sát tại trường học là điều cần thiết, nhằm xác định đặc điểm, những vấn đề cụ thể cần giải quyết để từ đó đưa ra những giải pháp phát hiện sớm và can thiệp sớm các rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên. Cùng với đó, kết quả nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ bức tranh sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên trên phạm vi toàn cầu, làm rõ những tương đồng hoặc khác biệt về các vấn đề sức khỏe tâm thần giữa các quốc gia, các nền văn hóa khác nhau.
Chính vì vậy, chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu “sức khỏe tâm thần học sinh trung học cơ sở tại Hà Nội năm học 2022-2023” với những mục tiêu sau:
+ Mô tả đặc điểm sức khỏe tâm thần của học sinh trung học cơ sở tại một số trường tại Hà Nội năm học 2022-2023.
+ Xác định một số yếu tố liên quan với các vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh.
– Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu
+ Đối tượng nghiên cứu: 2344 trẻ vị thành niên 13 đến 16 tuổi, hiện đang học lớp 7 đến lớp 9 tại ba trường THCS đại diện cho các khu vực khác nhau của Hà Nội, bao gồm trường THCS Cát Linh; trường THCS Phù Linh và trường THCS Nguyễn Du.
+ Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp mô tả cắt ngang.
Thời gian thực hiện nghiên cứu: từ tháng 6 năm 2022 đến tháng 10 năm 2023.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. ết quả quá trình thu thập số liệu: Tổng số học sinh nhận phiếu nghiên cứu: 2390; tổng số học sinh nộp lại phiếu nghiên cứu: 2373. Có 29 phiếu bị loại ra khỏi nghiên cứu do điền thiếu thông tin hoặc thông tin không phù hợp. Cuối cùng, tổng số phiếu phiếu phù hợp được đưa vào phân tích kết quả trong nghiên cứu là 2344. Tỷ lệ tham gia nghiên cứu là: 98%.
– Kết quả và phát hiện chính
+ Có tổng số 2344 học sinh từ lớp 7 đến lớp 9, thuộc ba trường THCS tại Hà Nội đã tham gia nghiên cứu. Trong đó có 48,9% là nữ và 51,1% là nam.
+ Đặc điểm sức khỏe tâm thần: Các vấn đề cảm xúc có tỷ lệ bất thường cao nhất (19,1%); tiếp theo vấn đề kỹ năng tiền xã hội (17%); vấn đề hành vi ứng xử (12,1%); vấn đề bạn bè (11,5%); thấp nhất là tăng động/giảm chú ý (7,6%). Tổng điểm SDQ ở mức bất thường là 15,7%. Có 66,9% trẻ báo cáo gặp khó khăn về các vấn đề về cảm xúc, sự tập trung, hành vi hoặc cách hòa đồng với người khác ở các mức độ khác nhau. Có 10,1% trẻ cho biết có cảm giác cô đơn thường xuyên và luôn luôn. Về các hành vi tự hủy hoại: có 28% trẻ có ít nhất một lần tự làm đau bản thân; 17,3% từng có ý tưởng tự sát và 10,7% ít nhất một lần đã thử tìm cách tự sát.
+ Các yếu tố liên quan: nghiên cứu xác định được một số yếu tố liên quan tới các vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm: giới tính nữ, các vấn đề gia đình (không sống cùng bố mẹ, không được bố mẹ quan tâm đúng mức); vấn đề bạn bè và trường học (không có bạn thân, bị bắt nạt trường học, bị bắt nạt trực tuyến, không được giáo viên quan tâm). Các yếu tố này làm gia tăng ở các mức độ khác nhau tới các vấn đề sức khỏe tâm thần khác nhau. Trong đó, không được bố mẹ quan tâm đúng mức làm gia tăng tất cả các vấn đề sức khỏe tâm thần.
– Kết luận
+ Về đặc điểm sức khỏe tâm thần của học sinh trung học cơ sở năm học 2022-2023: tỷ lệ chung có vấn đề sức khỏe tâm thần là 15,7%. Các vấn đề cụ thể dao động từ 7,6% (tăng động giảm chú ý) đến 19,1% (cảm xúc). Có 66,9% trẻ báo cáo gặp các khó khăn về các vấn đề về cảm xúc, sự tập trung, hành vi hoặc cách hòa đồng với người khác ở các mức độ khác nhau. Có 10,7% đến 28% ít nhất một lần có ý tưởng hoặc hành vi tự hủy hoại như tự làm đau hoặc tự sát.
+ Về các yếu tố liên quan đến sức khỏe tâm thần: Yếu tố giới tính: Giới tính nữ được xác định có liên quan tới gia tăng các bất thường về cảm xúc và giảm bất thường về hành vi xã hội tích cực. Yếu tố gia đình : Không sống cùng bố mẹ liên quan tới gia tăng bất thường hành vi ứng xử và cảm xúc; bố mẹ không quan tâm liên quan tới gia tăng tất cả các vấn đề sức khỏe tâm thần. Yếu tố bạn bè và trường học : Không có bạn thân liên quan tới gia tăng bất thường về cảm xúc, quan hệ bạn bè và hành vi xã hội tích cực ; bị bắt nạt tại trường học liên quan tới gia tăng tất cả các bất thường về sức khỏe tâm thần ; bị bắt nạt trực tuyến liên quan tới gia tăng bất thường hành vi ứng xử và cảm xúc ; không được thầy cô quan tâm liên quan tới gia tăng bất thường quan hệ bạn bè và hành vi xã hội tích cực.
– Kiến nghị
+ Cần tổ chức sàng lọc thường xuyên phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần, các vấn đề khó khăn và ý tưởng – hành vi tự hủy hoại.
+ Cần gia tăng truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe tâm thần và tạo môi trường lành mạnh giúp bảo vệ và phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần.
+ Cần đưa các yếu tố liên quan sức khỏe tâm thần vào chương trình can thiệp tại trường học và tại cơ sở y tế.