Đặt vấn đề và mục tiêu nghiên cứu: Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, dân số chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Học sinh ở khu vực này chủ yếu học tại các trường dân tộc nội trú với đặc trưng là học tập trung và sống xa gia đình. Với sự khác biệt về văn hóa – xã hội, môi trường sống, chúng tôi nhận thấy cần có nghiên cứu đánh giá về sức khỏe tâm thần và sự cô đơn của học sinh dân tộc thiểu số miền núi ở khu vực này. Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho các đề xuất về chính sách dự phòng và can thiệp về sức khoẻ tâm thần cho học sinh. Mục tiêu nghiên cứu:
1. Xác định tỷ lệ rối loạn trầm cảm, lo âu và cô đơn của học sinh trung học dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn
2. Phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến trầm cảm, lo âu và cô đơn của học sinh trung học dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn.
– Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang trên 845 học sinh ở các trường Trung học cơ sở và trung học phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Sử dụng thang đo DASS 21 để sàng lọc các vấn đề về trầm cảm, lo âu và thang đo UCLA để đánh giá mức độ cô đơn. Thông tin chung của đối tượng nghiên cứu và các yếu tố liên quan được thu thập bằng phương pháp phát phiếu tự điền với bộ câu hỏi thiết kế sẵn.
– Kết quả và phát hiện chính: 59,0% học sinh có biểu hiện trầm cảm và 54,4% có biểu hiện lo âu trong đó chủ yếu là mức độ trầm – lo âu nhẹ và vừa. Học sinh chủ yếu có mức độ cô đơn vừa và cao. Một số yếu tố ảnh hưởng đến lo âu, trầm cảm và cô đơn là: chất lượng tình bạn, sử dụng Internet và các trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu.
– Kết luận và kiến nghị: Tỉ lệ học sinh trung học dân tộc nội trú ở Lạng Sơn có các biểu hiện trầm cảm cũng như mức độ cô đơn khá cao. Yếu tố môi trường gia đình, sử dụng Internet, các trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu có liên quan với trầm cảm, lo âu. Vì thế, học sinh cần được sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn từ phía nhà trường, gia đình và bạn bè.