– Đặt vấn đề và mục tiêu nghiên cứu
Năm 2020 – 2022 là giai đoạn Bệnh viện phải đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch. Với những diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch bệnh, công tác kiểm soát dịch, tổ chức mô hình khám chữa bệnh cũng như các phác đồ điều trị liên tục được cập nhật, bổ sung và điều chỉnh để đáp ứng với tình hình thực tế. Bệnh viện đảm bảo cơ bản hiệu quả công tác sàng lọc, phân luồng người ra, vào đơn vị, khai báo y tế đối với người bệnh, gia đình người bệnh và nhân viên Bệnh viện, phát hiện kịp thời, khoanh vùng, cách ly các trường hợp mắc, nghi mắc COVID-19. Nhờ đó, hoạt động khám và điều trị tại Bệnh viện được duy trì có hiệu quả, đảm bảo an toàn người bệnh.
Cũng giống các nhóm đối tượng khác trong xã hội, NVYT của Bệnh viện cũng chịu những tác động không nhỏ của dịch COVID-19. Không chỉ chịu ảnh hưởng do thời gian giãn cách xã hội kéo dài, sự sụt giảm về mặt kinh tế, các NVYT còn là lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch, trực tiếp đối mặt với hiểm nguy và chứng kiến những gì mà đại dịch gây ra với sức khỏe nhân dân. Chính vì vậy, những ảnh hưởng tâm lý mà dịch COVID-19 lên nhóm đối tượng này không hề nhỏ.
Tuy vậy, chưa có một nghiên cứu nào đánh giá về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên sức khỏe tâm thần của NVYT của Bệnh viện Nhi Trung ương. Việc tìm hiểu thực trạng sức khỏe tâm thần của NVYT trong thời gian qua cũng như tìm ra biện pháp cải thiện sức khỏe tâm thần của NVYT, vì vậy, càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa.
Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu
– Đối tượng nghiên cứu: NVYT làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
– Tiêu chuẩn lựa chọn:
+ NVYT làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương ít nhất từ tháng 6.2019.
+ NVYT tỉnh táo và tự nguyện tham gia nghiên cứu.
– Tiêu chuẩn loại trừ: NVYT mới ký hợp đồng năm 2022.
Phương pháp nghiên cứu:
Thiết kê nghiên cứu mô tả cắt ngang, có phân tích.
Tiến hành thu thập thông tin từ đối tượng nghiên cứu bằng bộ câu hỏi phát vấn tự điền. Mẫu nghiên cứu là tất cả NVYT làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương đáp ứng tiêu chuẩn chọn lựa, loại trừ của nghiên cứu.
– Kết quả và phát hiện chính
Tỷ lệ các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và căng thẳng lần lượt là 19,2%, 24,7% và 13,9%. Tỷ lệ làm việc theo ca, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc COVID-19 và tình trạng tâm lý của nhân viên bệnh viện trước COVID-19 là những yếu tố rủi ro. Có thời gian nghỉ ngơi xen kẽ và không xa nhà hơn 10 ngày mỗi tháng sẽ giảm nguy cơ phát triển căng thẳng.
– Kết luận và kiến nghị
– Kết luận: Tỷ lệ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở nhân viên y tế trong đại dịch COVID-19 là tương đối cao và có liên quan đến ca làm việc và thời gian nghỉ ngơi.
– Khuyến nghị: Nhân viên y tế cần có thời gian nghỉ ngơi phù hợp và bố trí ca làm việc phù hợp để giảm nguy cơ mắc phải căng thẳng liên quan đến khối lượng công việc từ đại dịch Covid-19.