Đặt vấn đề và mục tiêu nghiên cứu: Tiêu chảy kéo dài là bệnh tiêu hóa có triệu chứng nặng với nguy cơ tử vong cao ở trẻ em ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cơ sở lý luận của việc sử dụng probiotic dựa trên giả định chúng làm thay đổi thành phần hệ vi sinh đường ruột, chống lại mầm bệnh đường ruột và điều hoà hệ miễn dịch đường ruột. Việc sử dụng probiotic dường như là liệu pháp bổ trợ hứa hẹn cho bệnh tiêu chảy kéo dài. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu nào có đủ bằng chứng để khuyến nghị sử dụng chúng vì tác dụng có lợi của probiotic trong bệnh tiêu chảy kéo dài dường như phụ thuộc vào chủng vi khuẩn và phụ thuộc vào liều lượng. Probiotic Bacillus là một loại vi khuẩn hình thành bào tử có khả năng kháng kháng sinh. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu với mục đích xác định hiệu quả của probiotic đa chủng B. subtilis, B. clausii và B. coagulans hoặc đơn chủng B. clausii so với giả dược trong điều trị tiêu chảy kéo dài.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng, để đánh giá hiệu quả của hai loại hỗn dịch probiotic dạng bào tử lợi khuẩn Bacillus, gồm LiveSpo CLAUSY chứa B. clausii ở nồng độ 2 tỷ CFU/ống 5 mL; và LiveSpo DIA30 chứa B. subtilis, B. clausii, và B. coagulans ở nồng độ 5 tỷ CFU/ ống 5 mL, trong việc hỗ trợ điều trị cho trẻ em bị tiêu chảy kéo dài. Tổng số 158 trẻ bị TCKD được phân nhóm ngẫu nhiên vào nhóm Chứng (sử dụng giả dược nước RO) và hai nhóm thử nghiệm gồm nhóm Clausy (sử dụng LiveSpo CLAUSY) và Dia30 (sử dụng LiveSpo DIA30). Cả ba nhóm đều được điều trị theo phác đồ thường quy tại bệnh viện kết hợp với dùng bổ sung giả dược nước RO hay probiotic ở liều cao lên tới 4-6 ống/ngày.
Kết quả và phát hiện chính: Kết quả thử nghiệm chỉ ra rằng tỷ lệ khỏi tiêu chảy vào ngày thứ 5 can thiệp ở nhóm probiotic đa chủng Dia30 là cao nhất (77,4%), tiếp theo là nhóm đơn chủng Clausy (60,8%) và nhóm Chứng (31,5%). Hiệu quả can thiệp ở nhóm probiotic đơn chủng Clausy có Odds tăng 3,37 lần so với nhóm Chứng (OR=3,37; 95%CI: 1,51-7,5), còn nhóm đa chủng Dia30 có Odds tăng 7,43 lần so với nhóm Chứng (OR=7,43; 95%CI: 3,13-17,6). Thời gian điều trị các triệu chứng điển hình của tiêu chảy của nhóm Clausy và nhóm Dia30 được rút ngắn 1-3 ngày so với nhóm Chứng, tương ứng với hiệu quả điều trị tăng 1,6-2,5 lần. Thời gian điều trị kháng sinh của cả hai nhóm Clausy và Dia30 được rút ngắn 2 ngày so với nhóm Chứng, tương ứng với giảm 25% lượng kháng sinh sử dụng trong quá trình điều trị. Thay đổi tỷ lệ phong phú tương đối của các ngành: Firmicutes, Actinobacteria, Proteobacteria và Bacteroidetes. Trong đó, giảm sự đa dạng phong phú của các ngành Proteobacteria và Bacteroidetes, tăng mật độ vi khuẩn thuộc ngành Actinobacteria ở nhóm Dia30. Thay đổi tỷ lệ phong phú tương đối của các họ: ở nhóm probiotic (Clausy và nhóm Dia30) và chứng đều giảm mật độ vi khuẩn có khả năng gây bệnh thuộc họ Enterobacteriaceae nhưng giảm chủ yếu ở nhóm probiotic. Thay đổi tỷ lệ phong phú tương đối của các chi: mật độ chi Escherichia giảm từ 5-6 lần ở nhóm probiotic, nhóm chứng giảm được 2 lần so với thời điểm trước can thiệp. Chi Clostridium giảm mạnh ở nhóm bổ sung probiotic hơn so với nhóm Chứng và trở về tỷ lệ phong phú tương đương với nhóm trẻ khoẻ. Xuất hiện chi Bacillus và Lacticaseibacillus thuộc ngành Firmicutes. Đặc biệt Bacillus và gia tăng các thành viên của họ Atopobiaceae chỉ xuất hiện ở nhóm can thiệp Dia30. Cụ thể, mật độ lợi khuẩn L. rhamnosus gia tăng đáng kể ở nhóm probiotic nhưng không được phát hiện ở nhóm chứng sau 5 ngày điều trị, cùng với sự suy giảm mạnh mật độ của hại khuẩn E. fergusoni của nhóm Clausy (2748,4 lần) và Dia30 (682,8 lần). Cytokine tiền viêm IL-6, IL-17, IL-23, TNF-α đều giảm, tăng yếu tố chống viêm IL-10 so với thời điểm trước can thiệp ở nhóm đa chủng Dia30, còn ở nhóm đơn chủng Clausy chỉ giảm rõ đối với IL-23 và IL-17 nhưng không tăng có ý nghĩa thống kê đối với IL-10. Không có sự thay đổi ở nhóm đối chứng.
Kết luận lại, đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới chứng minh được hiệu quả hỗ trợ điều trị triệu chứng, điều hoà các cytokine tiền viêm, và cải thiện hệ vi sinh đường ruột của probiotics dạng bào tử lợi khuẩn Bacillus sp. trên đối tượng trẻ em bị tiêu chảy kéo dài.