Trong những thập kỷ gần đây, mặc dù các chương trình tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đã phổ cập rộng rãi, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều bệnh truyền nhiễm trên quy mô lớn, trong đó các bệnh mới nổi và tái nổi đang là một vấn đề “nóng”. Ngày 16/12 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp với Hội Nhi khoa Việt Nam tổ chức thành công “Hội nghị Nhi khoa Truyền nhiễm toàn quốc lần thứ nhất”, nhằm chia sẻ, cập nhật kiến thức về tất cả những khía cạnh quan trọng của chuyên ngành Truyền nhiễm Nhi cho các y bác sĩ trên cả nước.
Trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm đã trở thành một vấn đề thường gặp, dễ lan truyền, có khả năng gây dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con người, đồng thời gây áp lực lớn cho hệ thống y tế.
Các loại bệnh dịch đang tiếp tục là mối lo ngại cho nhiều quốc gia và tác động trực tiếp đến sức khỏe trẻ em, như đại dịch COVID-19, Cúm A, Sốt xuất huyết, Lao, Viêm gan virus, các bệnh do nấm và ký sinh trùng, … Thêm vào đó, các bệnh mới nổi và tái nổi đã ghi nhận ở Việt Nam như: Bạch hầu, Ebola, MERSCoV, Ho gà, Tay Chân Miệng, nhiễm trùng bệnh viện và kháng kháng sinh,… đang đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi việc cập nhật những kiến thức mới của chuyên ngành Truyền nhiễm Nhi là rất quan trọng và cần thiết.
Chính vì vậy, Hội nghị lần này là cơ hội để chia sẻ chuyên môn, cập nhật kiến thức, những nghiên cứu mới nhất về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời là cơ hội kết nối và củng cố mạnh mẽ cộng đồng các bác sĩ Truyền nhiễm Nhi khoa trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Trần Minh Điển – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh: “Chuyên ngành Truyền nhiễm Nhi khoa đã thực sự phát triển và có nhiều thành tựu trong những thập kỷ qua. Các bác sĩ luôn hết sức cố gắng, liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh ở các lĩnh vực bệnh lý truyền nhiễm trẻ em. Những năm qua, bệnh truyền nhiễm có nhiều vấn đề phức tạp, dù đã được đẩy lùi nhưng vẫn còn xuất hiện các ổ dịch gần đây. Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho những bệnh nhi mắc bệnh bạch hầu với tình trạng rất nặng, có một số bệnh nhi phải tiến hành đặt ECMO. Đồng thời, các bệnh lý nhiễm virus như: Cúm, Adeno, virus gây bệnh Tay – Chân – Miệng, Sốt xuất huyết… vẫn có những diễn biến khó lường ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với một số virus gây bệnh mãn tính như EBV, CMV và các căn nguyên nhiễm trùng khó xác định gây sốt kéo dài ở trẻ.
PGS.TS Trần Minh Điển cũng khẳng định: Việc thành lập Chi hội Nhi khoa Truyền nhiễm trực thuộc Hội Nhi khoa Việt Nam là điều rất cần thiết, phù hợp với tình hình hiện nay, giúp cho các chuyên gia, các hội viên sẽ có được những đồng thuận tốt nhất về các phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm trẻ em và đặc biệt là nâng cao kiến thức, kỹ năng cho y bác sĩ thuộc chuyên ngành.
Hội nghị có 14 báo cáo đã cung cấp cho các đại biểu nhiều kết quả nghiên cứu mới, nội dung chuyên sâu, đồng thời cập nhật các kiến thức về chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm như: Đề kháng kháng sinh của chủng tụ cầu kháng methicillin (MRSA), virus Adeno, Viêm não liên quan đến Cúm, Viêm não – màng não do HHV-7, tổn thương gan do CMV, sốt xuất huyết Dengue, bệnh Whitmore,… Các nhà khoa học cũng nêu ra các khó khăn, vấn đề còn tồn tại và nhấn mạnh sự cần thiết, cấp bách của việc củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn này.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, sáng ngày 16/12, Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp cùng Hội Nhi khoa Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo CME “Cập nhật chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi”, thu hút sự tham gia của gần 200 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đến từ các bệnh viện Nhi, Sản – Nhi, trường đại học Y – Dược trong cả nước.
Chiều cùng ngày 16/12, Chi hội Nhi khoa Truyền nhiễm Việt Nam chính thức được thành lập, đã đánh dấu mốc quan trọng trên chặng đường phát triển của chuyên ngành; thể hiện rõ quyết tâm của Chi hội sẽ luôn nỗ lực cùng với toàn ngành Y tế bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng sẽ bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em và cộng đồng, ứng phó hiệu quả, chiến thắng các dịch bệnh.
Đại hội Nhi khoa Truyền nhiễm Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp, bầu ra 23 ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023 – 2028, trong đó:
- GS.TS Phạm Nhật An – Chi hội trưởng
- PGS.TS. Phùng Nguyễn Thế Nguyên – Chi hội phó
- TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Chi hội phó
- TS.BS Trần Thị Thu Hương – Thư ký
- ThS.BS Nguyễn Đình Quy – Thư ký
Việc tổ chức thành công Hội nghị Nhi khoa Truyền nhiễm toàn quốc lần thứ nhất được xem là một nỗ lực của các chuyên gia và y bác sĩ, nhằm xây dựng ngôi nhà chung, gắn kết sứ mệnh chung. Trên cơ sở đó, các y bác sĩ toàn quốc có thể đồng hành chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, đưa ra những nhóm giải pháp mang tính chất bền vững, giúp kiểm soát, đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng, từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em Việt Nam nói riêng và cộng đồng nói chung.
Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Trần Việt