Ngoài việc chăm sóc người bệnh, đội ngũ điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương luôn được khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học để tìm ra nhiều sáng kiến mang tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi. Với mong muốn hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức về nghiên cứu khoa học cho điều dưỡng trong Bệnh viện, ngày 28/3 vừa qua, Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe trẻ em – Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp với Phòng Điều dưỡng tổ chức “Lớp tập huấn viết đề cương nghiên cứu khoa học”.
Điều dưỡng là một lực lượng có vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của ngành Y tế về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cũng như đổi mới phong cách, thái độ phục vụ. Trong lĩnh vực chăm sóc Nhi khoa, người điều dưỡng có sứ mệnh đặc biệt là thực hiện chăm sóc kép cả người bệnh và người nhà người bệnh, đòi hỏi sự chi tiết, tỉ mỉ và chính xác cao; có năng lực đáp ứng và ứng biến với các cung bậc cảm xúc, tâm sinh lý khác nhau của trẻ em. Vì thế, nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giúp đội ngũ điều dưỡng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế công việc, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Phát biểu khai mạc Lớp tập huấn huấn viết đề cương nghiên cứu khoa học, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: “Về nguyên lý chung, nghiên cứu khoa học sẽ tuân theo các bước cơ bản, nhưng với ngành điều dưỡng thì có đặc thù nghiên cứu hơi khác một chút. Vì vậy, trong các buổi học, chúng tôi sẽ tập trung vào các quy trình thực hiện cụ thể để điều dưỡng có thể tự thực hiện được các đề tài nghiên cứu khoa học của mình”.
Theo TS Nguyễn Thị Trang Nhung, bộ phận điều dưỡng là mắt xích rất quan trọng của cơ sở, là những người rất sát sườn với bệnh nhân, vì thế các đề tài nghiên cứu sẽ là những đề tài không xa lạ, phục vụ ngay quá trình chăm sóc và điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện.
Việc nắm vững kiến thức, kĩ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học sẽ giúp hoàn chỉnh đề cương nghiên cứu, lập kế hoạch thực hiện và viết báo cáo đề tài cấp cơ sở. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học cũng là kĩ năng cần thiết giúp điều dưỡng tự học hỏi và nắm bắt kiến thức mới thông qua đọc các bài báo nghiên cứu trong nước và quốc tế cũng như đánh giá các bằng chứng khoa học trong thực hành y tế.
Lớp tập huấn sẽ diễn ra trong 10 buổi, bao gồm cả lý thuyết và thực hành, được giảng dạy bằng phong cách hiện đại với nhiều minh họa cụ thể, cung cấp cho học viên các kiến thức vô cùng hữu ích về: Giới thiệu cấu trúc đề cương nghiên cứu; Phương pháp tìm kiếm và lưu giữ tài liệu, trích dẫn tài liệu sử dụng zotero; Thiết kế nghiên cứu; Đối tượng nghiên cứu và Cỡ mẫu; Phương pháp thu thập số liệu; Biến số và chỉ số đánh giá; Tạo bộ câu hỏi bằng Kototooolbox; Quản lý số liệu và giới thiệu đại lượng thống kê; Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học; Trình bày chi tiết trong thuyết minh đề cương đề tài các cấp. Trong đó, nội dung Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học được các giảng viên lớp học nhấn mạnh.
Sau chương trình học, học viên sẽ được chia nhóm thực hành xây dựng đề cương sơ bộ cho một vài đề tài nghiên cứu khoa học và bài báo khoa học dưới sự hướng dẫn, giám sát của giảng viên.
Buổi học đầu tiên diễn ra vô cùng sôi nổi và hào hứng, các học viên đều đưa ra những đánh giá cao về khối lượng kiến thức, tính ứng dụng, hữu ích của các bài giảng.
“Thông qua các lớp học thiết thực về nghiên cứu khoa học này, những người điều dưỡng như chúng tôi sẽ có cái nhìn khoa học hơn về cách sắp xếp công việc, cách nhìn nhận các phương pháp chăm sóc người bệnh. Đặc biệt, khi biết bắt tay vào làm nghiên cứu, sẽ đánh giá được ưu điểm, nhược điểm của các phương pháp chăm sóc, tăng tính sáng tạo và chủ động tìm ra những giải pháp tốt nhất cho người bệnh về cả mặt chăm sóc, tư vấn, giáo dục sức khỏe, tâm lý” – ThS Ngô Thị Thanh Hoa – Điều dưỡng trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ sau buổi học.
Các giảng viên cũng bày tỏ sự kỳ vọng rằng sau khi khóa tập huấn kết thúc, các điều dưỡng có thể tự tin thực hiện nghiên cứu đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế công việc, góp phần nâng cao nghiệp vụ chuyên môn trong công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu