Khám sàng lọc và theo dõi phát triển cho trẻ sơ sinh nguy cơ cao như thế nào?

Câu hỏi trên chắc hẳn là băn khoăn, trăn trở của không ít các y bác sĩ cũng như cha mẹ các em bé sơ sinh, đặc biệt là những trẻ sinh non, có bệnh lý nặng, phức tạp. Và đây cũng là chủ đề chính được GS. Arnab Seal – Chuyên gia phát triển thần kinh Nhi khoa, Vương quốc Anh chia sẻ trong buổi sinh hoạt khoa học, cập nhật kiến thức y khoa diễn ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 5/10 vừa qua. Chương trình đã thu hút gần 700 đại biểu tham dự dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hiện nay, với nhiều tiến bộ trong hồi sức và điều trị trẻ sơ sinh đã giúp tăng tỷ lệ sống của nhóm trẻ sinh cực non và nhóm trẻ sơ sinh có bệnh lý nặng, phức tạp. Tuy nhiên, nhóm trẻ này sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề về thần kinh. Nhiều trẻ ngay từ sớm đã được chẩn đoán mắc các bệnh lý như phổi mạn, phát triển kém,… nhưng các vấn đề về thần kinh như bại não, bất thường thần kinh vận động và cảm giác, chứng khó học, chậm phát triển, tự kỷ, các rối loạn về điều chỉnh cảm xúc, hành vi, rối loạn chức năng cao, giảm chú ý, khó khăn về ngôn ngữ và giao tiếp,… thì không phải lúc nào cũng được nhận ra ngay khi trẻ mới xuất viện lần đầu.

PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương phát biểu khai mạc chương trình

Theo thống kê gần đây của UNICEF, hàng năm Việt Nam có khoảng 103.500 trẻ sinh non (chiếm 7% tổng số trẻ sơ sinh). Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm tiếp nhận khám và điều trị từ 4.000 – 5.000 trẻ sơ sinh, trong đó khoảng 600 trẻ (chiếm 15%) là thuộc nhóm cực non, sinh dưới 32 tuần, cân nặng dưới 1,5kg; 5% trẻ sinh đủ tháng bị ngạt; 5% trẻ sinh đủ tháng bị nhiễm trùng.

Ước tính, mỗi năm Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 600 – 900 trẻ sơ sinh có yếu tố nguy cơ, trong đó 300 – 400 trẻ thực sự có vấn đề về sức khỏe. Ở các bệnh viện lớn khác về Nhi khoa tại Việt Nam cũng có thể có những số liệu tương đương như vậy. Đây là một vấn đề rất cần được quan tâm và chú ý” – GS. Arnab Seal nhấn mạnh.

GS. Arnab Seal – Chuyên gia phát triển thần kinh Nhi khoa, Vương quốc Anh

Dựa trên các nghiên cứu về hiệu quả cải thiện các di chứng thần kinh khi can thiệp sớm cho nhóm trẻ sơ sinh nguy cơ cao, GS. Arnab Seal chỉ ra nguyên nhân vì sao cần phải theo dõi một cách có hệ thống và phát hiện sớm những nguy cơ về sức khỏe ở trẻ sơ sinh. Nhờ tính linh hoạt của não bộ trẻ, can thiệp sớm sẽ giúp thay đổi quá trình phát triển bệnh, khác với việc phục hồi chức năng ở những trẻ lớn sau này. Đồng thời, Ông cũng đưa ra các phương pháp để phát hiện bệnh và can thiệp sớm nhất cho trẻ.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, phần lớn trẻ sơ sinh chỉ đến khám lại khi cha mẹ nhận ra trẻ có những bất thường một cách rõ ràng và thông thường các em bé này sẽ được phát hiện bệnh lúc 1,5 – 5 tuổi. Trong khi đó, 1 năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển rất mạnh mẽ các giác quan, ngôn ngữ, chức năng nhận thức, đây cũng chính là “thời điểm vàng” để can thiệp và cải thiện cho trẻ, do hệ thống thần kinh còn đang phát triển và hoàn thiện. Trường hợp trẻ được phát hiện bệnh khi lớn hơn 1,5 tuổi thì đã bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất.

GS. Arnab Seal chia sẻ, ở Anh, các bác sĩ luôn cố gắng để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ của trẻ trong giai đoạn từ 3 – 5 tháng tuổi khi mà các biểu hiện thần kinh còn chưa rõ ràng. Qua đây, Ông đã giới thiệu đến các đại biểu bộ 3 công cụ có độ nhạy và độ đặc hiệu lên đến 99% trong việc phát hiện những trẻ có nguy cơ Bại não là bảng General Movement Assessment (GMA) để đánh giá các vận động nói chung của trẻ, bảng Hammersmith Infant Neurological Examination (HINE) và chụp Cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên muốn đánh giá được GMA thì cần được đào tạo và bảng HINE thì không được dùng cho trẻ sau 2 tuổi.

Bên cạnh đó, với trẻ từ 6 tuần tuổi đến 1 tuổi, có thể sử dụng bảng Standardised Infant Neuro Developmental Assessment (SINDA) là phối hợp giữa GMA và HINE. SINDA có độ nhạy và độ đặc hiệu lên đến 96% trong việc phát hiện không chỉ trẻ có nguy cơ Bại não mà còn tất cả các bất thường về phát triển thần kinh khác. Bảng SINDA có ưu điểm là chính xác, nhanh chóng, chi phí thấp và dễ sử dụng.

Ảnh chụp slide giới thiệu công cụ phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về thần kinh ở trẻ sơ sinh

Sau khi áp dụng các công cụ sàng lọc để phát hiện sớm các vấn đề về phát triển thần kinh, nếu trẻ có bất thường sẽ được thăm khám chuyên sâu về Phục hồi chức năng, Thần kinh, Tâm bệnh,… qua đó các bác sĩ sẽ xây dựng được kế hoạch can thiệp đầy đủ từ vận động, ngôn ngữ, tâm thần và tinh thần cho trẻ.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực phát triển thần kinh Nhi khoa và hỗ trợ các trẻ em khuyết tật, tại buổi sinh hoạt khoa học, GS. Arnab Seal cũng đã trao đổi về cách phát triển dịch vụ, nguồn nhân lực để thực hiện chương trình khám, sàng lọc, theo dõi phát triển cho trẻ sơ sinh nguy cơ cao tại Việt Nam nói chung và tại Bệnh viện Nhi Trung ương nói riêng một cách có hệ thống. Theo đó, chúng ta cần chuẩn bị nhân lực gồm các bác sĩ Sơ sinh, Phục hồi chức năng, Thần kinh, Tâm thần; xây dựng kế hoạch can thiệp cụ thể theo từng chuyên khoa; khuyến nghị các chính sách về y tế, bảo hiểm, tài chính để giúp trẻ và gia đình dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ của chương trình;…

Rất nhiều câu hỏi đã được đưa ra trong phần thảo luận của chương trình

Kết thúc buổi sinh hoạt khoa học là phần thảo luận sôi nổi thông qua hình thức hỏi – đáp cùng chuyên gia. Các thắc mắc của y bác sĩ như: cách áp dụng công cụ phát hiện sớm bất thường về thần kinh của trẻ tại Việt Nam; thời điểm 3-5 tháng tuổi nên là bác sĩ Sơ sinh, bác sĩ Thần kinh hay bác sĩ Tâm bệnh khám với các vấn đề phát triển tâm thần vận động của trẻ?,… đã được GS. Arnab Seal giải thích cụ thể, qua đó giúp các y bác sĩ có cái nhìn tổng quan về phương pháp tiếp cận với việc khám sàng lọc và theo dõi phát triển cho trẻ sơ sinh nguy cơ cao.

Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương

Trả lời

ĐĂNG KÝ THAM GIA KHÓA HỌC



    (Đăng ký tham gia các khóa học, các lớp đang tuyển sinh, chương trình đào tạo tại đây … )
    Khóa đào tạo thực hành Điều dưỡng “Cấp cứu Nhi khoa cơ bản”

    Khóa đào tạo thực hành Điều dưỡng “Cấp cứu Nhi khoa cơ bản” 

    I. Mục tiêu của khóa học:
    - Cung cấp cho học viên các kiến thức cơ bản, kỹ năng tiếp cận và đánh giá bệnh nhân cấp cứu một cách hệ thống để đưa ra các can thiệp chính xác và kịp thời với tình trạng khẩn cấp của người bệnh.
    - Củng cố và nâng cao năng lực thực hành, lập kế hoạch chăm sóc người bệnh và rèn luyện tác phong làm việc cũng như kỹ năng giao tiếp trong môi trường cấp cứu.

    II. Đối tượng tuyển sinh: Điều dưỡng trình độ từ trung cấp trở lên và đang làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa

    III. Hình thức tuyển sinh: Xét duyệt hồ sơ

    IV. Thời gian đào tạo: Học tập trung 03 tháng liên tục tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

    V. Chương trình học:
    - Lý thuyết: Theo chương trình đào tạo Điều dưỡng “Cấp cứu Nhi khoa cơ bản” của Bệnh viện Nhi Trung ương
    - Thực hành: tại Khoa Cấp cứu và Chống độc
    - Nội dung học tập:
    + Nhân biết trẻ bệnh nặng và phân loại bệnh nhân
    + Cấp cứu cơ bản, vận chuyển bệnh nhân an toàn
    + Đánh giá và xử trí đau cho trẻ
    + Chăm sóc, theo dõi trẻ mắc một số bệnh: trẻ bị sốc, suy hô hấp cấp, ngộ độc cấp, trẻ bị mất nước, trẻ bị sốt cao co giật…
    + Các quy trình kỹ thuật: cho bệnh nhi thở oxy, bóp bóng qua mask, phụ giúp bác sĩ đặt nội khí quản, phụ giúp bác sĩ chọc dò tuỷ sống…

    VI. Quyền lợi của học viên
    Sau khi hoàn thành và đạt yêu cầu của khóa học, học viên được:
    - Cấp chứng chỉ đào tạo liên tục Điều dưỡng “Cấp cứu Nhi khoa cơ bản” của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em- Bệnh viện Nhi Trung ương.
    - Xác nhận thời gian thực hành (nếu có nhu cầu)

    VII. Hồ sơ đăng ký dự tuyển:

    1. Hồ sơ gồm:
    a. Đơn xin đi học;
    b. Bản sao công chứng bằng tốt nghiệp có giá trị trong vòng 6 tháng tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ
    c. Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của cơ quan công tác hoặc xã/phường nơi cư trú)
    d. Bản sao công chứng Giấy khai sinh hoặc Căn cước công dân;
    e. 02 ảnh kích thước 3x4cm và bản mềm ảnh (định dạng GIF, JPG hoặc PNG) (yêu cầu ảnh phông trắng và học viên mặc áo trắng, ảnh chụp trong vòng 6 tháng tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ, mặt sau ảnh ghi rõ họ tên và ngày sinh);
    f. Quyết định cử đi học của cơ quan (nếu có).
    Tất cả các giấy tờ xếp theo thứ tự trên, đựng trong túi hồ sơ và ghi đầy đủ các mục theo mẫu bìa túi hồ sơ.
    2. Thời gian nhận hồ sơ: tuyển sinh liên tục
    3. Nơi nhận hồ sơ:
    - Phòng Quản lý đào tạo - Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, Số 18/879 La Thành, Đống Đa, Hà Nội.
    - Hoặc liên hệ: ĐDCKI. Đỗ Minh Thuỳ, phòng Quản lý đào tạo, VĐT&NCSKTE, Email: thuydo@rich.org.vn, ĐT: 024 6273 8884; 024 6273 8883
    4. Kế hoạch mở lớp:
    Liên tục theo hình thức cầm tay chỉ việc hoặc theo lớp khi đủ số lượng học viên, cụ thể:
    - Đợt 1: dự kiến đầu tháng 3 năm 2023
    - Đợt 2: dự kiến đầu tháng 6 năm 2023
    - Đợt 3: dự kiến đầu tháng 9 năm 2023
    - Đợt 4: dự kiến đầu tháng 12 năm 2023
    5. Học phí: 13.030.000 đồng/khóa

    Lưu ý: Thí sinh không được hoàn trả hồ sơ và học phí trong mọi trường hợp.
    Xin trân trọng cảm ơn!

    Lịch khai giảng Liên hệ Đăng ký học