Rửa mũi là một kĩ thuật chăm sóc đường hô hấp trên bắt nguồn từ nền y học Ayurvedic, được đưa vào nền y học phương tây vào cuối thế kỉ 19, và từ đó kĩ thuật này dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Phương pháp này có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các phương pháp khác trong các bệnh lý bao gồm: viêm mũi xoang cấp và mạn tính. Ngoài ra, kỹ thuật này đã được chỉ định trong điều trị và phòng ngừa viêm đường hô hấp trên ở trẻ em.
Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều phương pháp rửa mũi được truyền miệng, rất nhiều dung dịch rửa mũi, dụng cụ rửa mũi được thương mại hóa nhưng lại có rất ít nghiên cứu đánh giá hiệu quả cũng như tác dụng thực sự của từng phương pháp, loại dụng cụ, dịch rửa mũi… lứa tuổi nào nên dùng phương pháp gì, mức độ bệnh thế nào dùng loại dung dịch gì và phương pháp nào…. Do đó những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra: rất nhiều bệnh nhân được rửa mũi sai cách gây viêm tai giữa, nhầm lẫn dung dịch gây hậu quả đáng tiếc, thậm chí bệnh nhân suy hô hấp sau rửa mũi.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương việc thực hành rửa mũi đã được tiến hành từ rất lâu nhưng đến năm 2021 quy trình rửa mũi cho trẻ mới được hội đồng khoa học của bệnh viện thông qua. Tuy nhiên, hiệu quả, sự an toàn của phương pháp rửa mũi này như thế nào, có hay không có sự khác biệt về hiệu quả của việc sử dụng dung dịch “Natri Hyaluronate kết hợp với dung dịch muối ưu trương 3%” và có hoặc không sử bộ dụng cụ Buona Spraysol so với sử dụng rửa mũi bằng dung dịch nước muối 0,9% vẫn đang sử dụng không?
Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu tác dụng của phương pháp rửa mũi và các dung dịch rửa mũi trong hỗ trợ điều trị Viêm mũi xoang cấp ở trẻ em” nhằm mục tiêu: Đánh giá hiệu quả dùng muối 3% kết hợp dụng cụ hỗ trợ điều trị mũi xoang cấp nhiễm khuẩn tại bệnh viện Nhi Trung Ương.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Gồm các bệnh nhân được khám, chẩn đoán viêm mũi xoang cấp, điều trị tại Khoa Khám bệnh-Trung tâm quốc tế-Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 10/2023 đến 10/2024.
– Tiêu chuẩn lựa chọn
+Trẻ em từ 3 tháng đến 24 tháng tuổi.
+ Bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán viêm mũi xoang cấp trẻ em theo Hội mũi xoang châu Âu năm 2020. Bệnh khởi phát đột ngột có 2 hoặc nhiều hơn các triệu chứng:
1. nghẹt/tắc/sung huyết mũi
2. hoặc dịch tiết mũi đổi màu
3. hoặc ho (ban ngày và ban đêm) trong <12 tuần
+ Và bệnh nhân có đầy đủ triệu chứng chẩn đoán là viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn: là các bệnh nhân được chẩn đoán viêm mũi xoang cấp như tiêu chuẩn trên và có ít nhất 3/5 triệu chứng dưới đây: Chảy dịch mũi đổi mầu, đau cục bộ nghiêm trọng (thường là 1 bên), sốt > 38 độ, tăng CRP/ERS, triệu chứng trở nặng sau khi các dấu hiệu đã thoái lui[12].
+ Bác sỹ Nội Nhi thăm khám thấy dịch đổi mầu chảy ra từ mũi
– Tiêu chuẩn loại trừ
+ Bệnh nhân có chấn thương vùng mũi
+ Bệnh nhân có viêm loét cửa mũi
+ Bệnh nhân suy hô hấp
+ Gia đình bệnh nhân từ chối tham gia nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu:
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên mù nhãn mở
Kết quả và phát hiện chính:
Rửa mũi bằng dụng cụ hỗ trợ Buona Spraysol kết hợp dung dịch ưu trương 3% có tỷ lệ hết dịch ở hốc mũi cao hơn, số lần rửa mũi và số lượng nước muối cần rửa thấp hơn so với kết hợp nước muối sinh lý, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ( p< 0,05). Mức độ cải thiện các triệu chứng lâm sàng, thực thể tại mũi sau 30 phút thực hiện rửa mũi, không có sự khác biệt giữa hai nhóm (p> 0,05). Tổng số điểm đánh giá triệu chứng tại mũi của nhóm ưu trương thay đổi ít hơn nhóm sinh lý, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
Kết luận và kiến nghị:
Rửa mũi bằng dụng cụ Buona spray sol có sử dụng nước muối ưu trương hay nước muối sinh lý đều có tác dụng cải thiện các triệu trứng lâm sàng tại mũi (p<0,05). Rửa mũi bằng dung dịch ưu trương 3% có tỷ lệ hết dịch ở hốc mũi cao hơn so với nước muối sinh lý (p<0,05).
Do thời gian theo dõi đánh giá ngắn, chưa theo dõi dọc được hiệu quả của cả đợt điều trị bệnh nhân, cỡ mẫu hạn chế nên kết quả nghiên cứu chỉ là các nhận xét bước đầu về hiệu quả của rửa mũi khi kết hợp bộ dụng cụ với dung dịch nước muối ưu trương hay nước muối sinh lý.