Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Lê Thị Hồng Hanh
Cơ quan chủ trì: Bệnh viện Nhi Trung ương
Mã đề tài: 2022S-07
Thời gian: 06/2022-12/2022
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ bệnh nhi mắc lao hoạt động tại Bệnh viện Nhi Trung ương qua tích hợp mô hình sàng lọc 2X (Xquang ngực, Xpert) và chẩn đoán lâm sàng
– Đặt vấn đề: khả năng xét nghiệm siêu nhạy của Xpert thế hệ mới sẽ cải thiện hiệu quả của việc sử dụng mẫu xét nghiệm của trẻ em, trong đó vi khuẩn lao từ các mẫu đường hô hấp được nuốt phải có thể được phát hiện với độ chính xác cao hơn. Trong sàng lọc lao, Xpert có thể đóng vai trò tích cực trong nâng cao hiệu quả sàng lọc chủ động, có giá trị lớn trong chẩn đoán phát hiện sớm lao nhạy cảm và lao kháng của bệnh nhi. Chúng tôi tiên hành nghiên cứu với mục tiêu: Mô tả phân bố lao hoạt động qua chiến lược 2X và chẩn đoán lâm sàng ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2022.
– Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được thiết kế theo phương pháp nghiên cứu cắt ngang. Đối tượng là những bệnh nhi dưới 15 tuổi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong thời gian từ ngày 03/06/2022 đến 31/12/2022. Trẻ có một trong những triệu chứng nghi ngờ lao sau: ho, sốt trên 2 tuần, ra mồ hôi đêm, sụt cân/không tăng cân, giảm chơi đùa trên 2 tuần, hội chứng não/ màng não hoặc từng tiếp xúc với bệnh nhân mắc lao trong 24 tháng qua.
Kết quả: Qua sàng lọc 6515 bệnh nhân bằng phương pháp sàng lọc 2X, trẻ nam chiếm đa số (61,6%) và phần lớn dưới 5 tuổi. Hầu hết trẻ sống ở Hà Nội, sau đó đến các tỉnh ở miền Bắc Trung Bộ. Tỷ lệ tiếp xúc với người mắc bệnh lao trong 2 năm qua thấp (1,2%). Sàng lọc triệu chứng nghi lao cho thấy tỷ lệ trẻ có sốt (67,4%); ho (97,1%), sụt cân hoặc không tăng cân (3,9%); đổ mồ hôi đêm (5,0%); hạch to (1,4%), sưng khớp/cột sống (0,06%). Có 526 trẻ trong 6515 trẻ có kết quả hình ảnh tổn thương nghi lao trên phim chụp X-quang. Trong số 533 trẻ được chỉ định làm xét nghiệm Gene Xpert, có 12 trẻ có kết quả dương tính với vi khuẩn lao và không kháng Rifampicin. Nghiên cứu cũng phát hiện được 10 trẻ có kết quả dương tính trong số 125 trẻ được làm xét nghiệm T-spot.
Trong 6515 bệnh nhân nói trên, chúng tôi có 40 bệnh nhân được chẩn đoán lao, trong đó có 32 bệnh nhân lao phổi, 9 bệnh nhân lao màng não, 5 bệnh nhân lao nhiều cơ quan. Tỷ lệ phát hiện lao tăng từ 0,5% (tỷ lệ phát sinh lao tự nhiên) lên 0,61% (40/6515).
Trong nhóm bệnh nhân lao phổi, lao màng phổi, triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất là: sốt (100%), gầy sút cân (68,8%), ra mồ hôi trộm (43,8%), ho đờm (46,9%), đau ngực (15,6%), khó thở (6,3%). Tổn thương phổi hay gặp thâm nhiễm nhu mô phổi (65,6%), tràn dịch màng phổi (34,4%), đông đặc phổi (21,9%). Các tổn thương ít gặp hơn: nốt, lao kê, hang lao, viêm rãnh liên thùy. CT phổi đặc biệt phát hiện tổn thương hạch rốn phổi với tỷ lệ tới 57,1% cao hơn nhiều so với Xquang phổi.
Trong nhóm bệnh nhân lao màng não, các biểu hiện lâm sàng hay gặp là: sốt (100%), đau đầu/ quấy khóc (89%), HCMN (67%), co giật (44%), tăng trương lực cơ (22%), rối loạn ý thức (78%), liệt thần kinh sọ (22%). Tổn thương phổi: 89% có tổn thương. MRI/ CT sọ não 89% có bất thường, giãn não thất 22%, tăng ngấm thuốc màng não 44%, nhồi máu não 44%
– Kết luận: Chiến lược 2X cho thấy hiệu quả trong việc tăng tỷ lệ phát hiện bệnh lao ở trẻ em.