Sinh hoạt khoa học là hoạt động thường xuyên của Bệnh viện Nhi Trung ương nhằm cập nhật kiến thức y khoa, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện và các tuyến y tế cơ sở. Trước tình hình số trẻ mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) ở thời điểm giao mùa có xu hướng gia tăng, ngày 26/9 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề “Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) ở trẻ em”, thu hút hơn 1000 đại biểu tham dự dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Virus hợp bào hô hấp (RSV) dù không mới nhưng là căn nguyên hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ và cũng là căn nguyên phổ biến toàn cầu dẫn đến các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mọi nhóm tuổi. Theo một số thống kê, có tới 90% trẻ em nhiễm loại virus này trong 2 năm đầu đời, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn kém. Nhiễm virus RSV có thể gây ra các hội chứng lâm sàng đa dạng từ triệu chứng nhẹ giống cảm lạnh đến các biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, cơn hen kịch phát và thở khò khè. Việc chẩn đoán sớm bệnh sẽ giúp giảm thời gian nằm viện, giảm sử dụng kháng sinh và chi phí điều trị cho bệnh nhi.
Chính vì vậy, sinh hoạt khoa học lần này là dịp để các bác sĩ đến từ các bệnh viện Nhi, Sản Nhi, khoa Nhi, bệnh viện đa khoa trên toàn quốc được cập nhật, trao đổi, chia sẻ kiến thức với chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Nhi Trung ương về các vấn đề liên quan đến virus RSV, từ đó nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh.
Với nền tảng kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn dày dạn trong lĩnh vực vi sinh, TS.BS Hoàng Thị Bích Ngọc – Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến các đại biểu qua báo cáo: “Virus hợp bào hô hấp: Tác nhân gây bệnh có những điều khác biệt”, bao gồm các nội dung như: cơ chế gây bệnh, đáp ứng miễn dịch của cơ thể với RSV, đồng nhiễm vi khuẩn sau nhiễm RSV, lựa chọn xét nghiệm chẩn đoán tác nhân vi sinh vật cùng các yếu tố ảnh hưởng chất lượng xét nghiệm và phương pháp xét nghiệm phát hiện kháng nguyên virus RSV.
Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng tác nhân RSV có thụ thể với biểu mô đường hô hấp, đặc biệt với biểu mô phế quản; RSV gồm RSV A, RSV B, có nhiều hình thức lẩn trốn đáp ứng miễn dịch của cơ thể, nên dễ bị tái nhiễm; phương pháp chẩn đoán trực tiếp là phổ biến, bao gồm phát hiện kháng nguyên và khuếch đại acid nucleic.
Cập nhật về chẩn đoán, điều trị và dự phòng nhiễm virus hợp bào hô hấp, PGS.TS Trần Thanh Tú – Phụ trách Trung tâm Quốc tế, Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra những nhìn nhận từ tổng quan đến chi tiết về bệnh học, triệu chứng lâm sàng, cách thức xử lý theo từng trường hợp khi nhiễm virus RSV đơn độc hoặc kèm theo bội nhiễm.
PGS.TS Trần Thanh Tú nhấn mạnh: Việc điều trị bệnh do virus RSV dựa vào phân loại viêm phế quản nặng hay không. Quá trình điều trị không khuyến cáo sử dụng thường quy khí dung, thuốc giãn phế quản, nước muối ưu trương; không có chỉ định dùng corticoid; phác đồ điều trị dự phòng cho nhóm trẻ có yếu tố nguy cơ ngay trong đầu mùa dịch cho kết quả khả quan nhưng giá thành điều trị còn khá cao.
Việc phát hiện sớm bệnh là yếu tố rất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ trở nặng và biến chứng. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng của RSV không đặc hiệu và có thể trùng lặp với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus khác cũng như một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, vì vậy cần phải xét nghiệm để phân biệt RSV.
Hơn nữa, các vắc xin RSV còn đang trong quá trình nghiên cứu, do đó, phòng bệnh cần dựa trên các yếu tố không đặc hiệu, như: Thường xuyên rửa tay sạch sẽ cho trẻ, nhất là khi vừa tiếp xúc với những trường hợp có biểu hiện cảm cúm; cho trẻ ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng; giữ gìn môi trường sạch sẽ, thoáng mát; vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay thường xuyên cho trẻ; khi ra ngoài cần đeo khẩu trang.
Các báo cáo đều được chủ tọa, cùng đồng nghiệp trong cả nước đánh giá cao về chất lượng, hàm lượng thông tin khoa học và có giá trị áp dụng vào thực tiễn điều trị. Nhiều kiến thức bổ sung hữu ích, đáp ứng với các mô hình bệnh tật ngày càng thay đổi phức tạp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho trẻ em.
Buổi sinh hoạt khoa học kết thúc với phần thảo luận sôi nổi thông qua hình thức hỏi – đáp cùng chuyên gia. Các thắc mắc của y bác sĩ được hai chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương giải thích rất rõ ràng, cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp các y bác sĩ tự tin hơn trong quá trình thực hành lâm sàng.
Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương