Đặt vấn đề: RL PTK ở TE có xu hướng phổ biến, gia tăng mạnh mẽ. Tại Việt Nam, số liệu thống kê năm 2019 cho thấy trung bình 100 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ mắc hội chứng này. Một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả của các biện pháp can thiệp sớm dành cho trẻ. Tại bệnh viện Nhi Trung ương, hoạt động can thiệp CTXH đã được triển khai ngay từ những năm 2008. Nhiều TE mắc RL PTK đến thăm khám đã được can thiệp trợ giúp tại đây.
Mục tiêu nghiên cứu nhằm: Phân tích khó khăn, nhu cầu can thiệp CTXH cá nhân với trẻ mắc RL PTK từ phía hộ gia đình cho trẻ đến điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương; Xây dựng tài liệu, thử nghiệm và đánh giá hiệu quả can thiệp CTXH cá nhân với trẻ mắc RL PTK điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương.
– Đối tượng và phương pháp nghiên cứu :
Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng đích: là trẻ mắc RL PTK đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện Nhi trung ương.
Đối tượng hỗ trợ: là cha mẹ hoặc người chăm sóc chính của trẻ mắc RL PTK.
Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi; Phương pháp phỏng vấn sâu cá nhân; Phương pháp thu thập thông tin thông qua can thiệp công tác xã hội cá nhân.
– Kết quả và phát hiện chính:
Dựa theo “Bảng liệt kê rối loạn hành vi phát triển ở trẻ – phiên bản dành cho Cha/mẹ” được áp dụng tại bệnh viện Nhi Trung ương, kết quả khảo sát cho thấy trẻ mắc RL PTK gặp nhiều khó khăn ở những mức độ khác nhau, song tập trung sâu vào GTXH. Do vậy, nhiều gia đình có nhu cầu cao cho con được can thiệp CTXH cá nhân.
Dựa trên những khó khăn và nhu cầu từ phía hộ gia đình, nhân viên CTXH thực hiện các hoạt động xây dựng tài liệu phù hợp với mức độ khó khăn của trẻ và lập kế hoạch can thiệp.
Theo đó, những hoạt động thử nghiệm can thiệp được nhân viên CTXH thực hiện tập trung vào hỗ trợ trẻ tăng cường khả năng bình ổn cảm xúc, giảm thiểu khó khăn trong nhận thức – hành vi và cuối cùng là GTXH.
Những hoạt động này đều được nhân viên CTXH tư vấn, hướng dẫn, giải thích trước với hộ gia đình. Trong quá trình thử nghiệm can thiệp, cha mẹ trẻ được ngồi quan sát trực tiếp, từ đó lĩnh hội sâu sắc hơn những hướng dẫn, tư vấn trước đó. Nhờ vậy, hoạt động thử nghiệm can thiệp CTXH nhận được sự phối hợp tích cực từ phía hộ gia đình.
Phản ảnh từ phía hộ gia đình cho thấy trẻ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, dù rằng không phải mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi biện pháp can thiệp đều mang lại tác dụng tích cực ngay tại thời điểm đó.
– Kết luận và khuyến nghị:
Kết luận:
Kết quả nghiên cứu theo mục tiêu 1 cho thấy: Trẻ mắc RL PTK thường có những khó khăn về cảm xúc, nhận thức, hành vi và GTXH. Trước những biểu hiện khó khăn của trẻ, đa số các hộ gia đình đều có nhu cầu được can thiệp trợ giúp, trong đó có sự hỗ trợ từ phía nhân viên CTXH.
Kết quả nghiên cứu theo mục tiêu 2 phản ánh hoạt động xây dựng tài liệu tập trung vào những điểm mạnh, khó khăn ở trẻ mắc RL PTK, xây dựng kế hoạch can thiệp nhằm trợ giúp trẻ bình ổn cảm xúc, tăng cường năng lực nhận thức, hành vi và khả năng giao tiếp xã hội. Nội dung này là điều kiện tiên quyết cho phép nhân viên CTXH thực hiện các hoạt động can thiệp 1 – 1 với trẻ mắc Rl PTK.
Hoạt động thử nghiệm can thiệp được nhân viên CTXH thực hiện thông qua các kỹ năng CTXH cá nhân, như kỹ năng trợ giúp trẻ bình ổn cảm xúc thông qua đồ chơi, trò chơi, kỹ năng tập trung sự chú ý của trẻ vào những hoạt động kích thích trẻ phát triển, kỹ năng chuyển hướng sự chú ý của trẻ sang các hoạt động khác khi trẻ tỏ ra thơ ơ với những hoạt động cũ. Theo đó, sự tiến triển ban đầu về bình ổn cảm xúc, tăng cường năng lực nhận thức, hành vi và GTXH ở trẻ mắc RL PTK là kết quả của việc vận dụng linh hoạt nhiều kỹ năng khác nhau từ phía nhân viên CTXH, của việc tư vấn, hướng dẫn cách thức hỗ trợ phù hợp với trẻ, cũng như sự tin tưởng, phối hợp tích cực của hộ gia đình.
Hoạt động đánh giá hiệu quả can thiệp được nhân viên CTXH thực hiện theo bộ tiêu chuẩn lượng giá của ngành CTXH. Theo đó, cha mẹ trẻ tự cho điểm đối với những hoạt động mà nhân viên CTXH triển khai. Kết quả lượng giá với điểm số tích cực phản ánh hiệu quả của những buổi can thiệp CTXH cá nhân dành cho trẻ mắc RL PTK.
Khuyến nghị
Hoạt động can thiệp CTXH cá nhân với trẻ mắc RL PTK cần được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của hộ gia đình. Các bài tập can thiệp cần được thiết kế phù hợp với khó khăn và điều cơ bản nhất là cần tạo dựng được bầu không khí hữu ích nhằm thu hút trẻ tham gia.
Trong các buổi can thiệp trị liệu CTXH cá nhân, nhân viên CTXH cần phối hợp thực hiện nhiều trò chơi khác nhau. Các bài tập can thiệp CTXH cá nhân không được phép biến trẻ thành “những cái máy chỉ biết nghe theo, làm theo, nói theo”, mà cần được thực hiện phù hợp với bối cảnh cụ thể, với cảm xúc và sở thích của trẻ.
Các kỹ năng CTXH khi can thiệp trợ giúp trẻ cần được thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, cảm xúc, sở thích và bài tập can thiệp. Hoạt động tư vấn, hướng dẫn hộ gia đình cách thức trợ giúp trẻ tại nhà hay tại những môi trường thân quen cần phù hợp với tình trạng của trẻ. Hoạt động tư vấn, giải thích với hộ gia đình cần nói rõ về sự tiến triển của trẻ để qua đó tăng cường nhận thức, củng cố niềm tin, tạo sự kiên trì, yên tâm cho hộ gia đình